Chất đốt bằng trấu mùn cưa ép là sản phẩm chế biến công nghiệp, theo nguyên lý sử dụng nguồn nhiệt của máy ép làm mềm nguyên liệu thô, đồng thời chảy chất kết dính (lignin) có sẵn trong nguyên liệu, tạo nên độ kết dính. Sản phẩm sau khi ép có hình trụ, đường kính từ 8-10 cm; thường có độ dài từ 10-50 cm, ruột rỗng (trấu), từ 10-20 cm (mùn cưa ép). Theo kết quả khảo sát và báo cáo, hiện nay các đơn vị đang sử dụng trấu ép là Sư đoàn 5 (Quân khu 7); Sư đoàn 968, 324, Trường Quân sự, Lữ đoàn Công binh 414, Tiểu đoàn 43/Bộ chỉ huy Quân sự Quảng Trị (Quân khu 4) và Sư đoàn 325, Lữ đoàn Pháo binh 164, Lữ đoàn Phòng không 673, Trường Quân sự (Quân đoàn 2). Sử dụng mùn cưa ép là Sư đoàn 312-Quân đoàn 1.
Sau thời gian thí điểm cho thấy: Chất đốt bằng trấu, mùn cưa ép có nhiều ưu điểm như: khả năng bắt lửa nhanh, nhiệt lượng tỏa ra không cao quá (củi khô khoảng 10.106 J/kg) so với than đá (than đá khoảng 27.106 J/kg), do vậy kéo dài tuổi thọ của bếp; lượng khói và hàm lượng khí độc tỏa ra môi trường ít hơn so với than cám; khu vực bếp sạch sẽ; khi tiếp chất đốt vào bếp, có lúc chỉ cần lượng nhỏ nhưng bếp vẫn cháy nên tiết kiệm chất đốt; phù hợp với hệ thống bếp lò hơi cơ khí; tàn tro có thể tận dụng để cải tạo đất. Theo tính toán, trấu ép do đơn vị tự sản xuất (Quân đoàn 2) giá thành 1.300 đồng/kg, nếu mua ngoài thị trường (Quân khu 4, Quân khu 7), cả chi phí vận chuyển từ 1.250-1.900 đồng/kg (tùy theo địa bàn đóng quân); mùn cưa ép mua ngoài thị trường với giá khoảng từ 2.500-2.900 đồng/kg; than cám A có giá khoảng từ 2.000-2.500đồng/kg.
Sử dụng trấu ép ở Trung đoàn 4-Sư đoàn 5. Ảnh: Thảo Hà.
Theo qui định hiện hành, tiền chất đốt bằng trấu mùn cưa ép trong mức tiền ăn cơ bản bộ binh là 0,7 kg than cám A/người/ngày, tương đương từ 1400-1.750 đồng (giá than cám A từ 2.000-2.500 đồng/kg). Nếu sử dụng chất đốt bằng trấu mùn cưa ép tiêu thụ từ 650-750 g/người/ ngày, tương đương 845-975 đồng (tự sản xuất) và từ 937-1.425 đồng (mua ngoài thị trường); đơn vị sử dụng mùn cưa ép tiêu thụ 550g/người/ngày, tương đương từ 1.375-1.595 đồng (nếu mua ngoài thị trường). Như vậy, so với than cám A, sử dụng chất đốt bằng trấu ép do đơn vị tự sản xuất sẽ giảm khoảng 905 đồng/người/ngày, nếu mua ngoài thị trường giảm 325-463 đồng; nếu đun bằng mùn cưa ép mua ngoài thị trường giảm 155-375 đồng/người/ngày.
Tuy nhiên, nhược điểm của trấu, mùn cưa ép là: Kho chứa chất đốt phải rộng, hạn chế ẩm ướt vì nếu bị ẩm khó bắt lửa và dễ vỡ vụn. Lượng tro bụi bám vào ống khói bếp lò nhiều hơn so với dùng than đá nên phải vệ sinh ống khói thường xuyên hơn. Lúc cơm sôi phải tiếp nhiều chất đốt thì cơm mới chín đều và ngon. Khả năng khai thác ngoài thị trường trên cả nước còn khó khăn do chưa nhiều cơ sở sản xuất, chi phí vận chuyển cao. Nếu đơn vị mua sắm, lắp đặt dây chuyền để tự sản xuất thì phải đầu tư kinh phí ban đầu cao. Loại máy sản xuất trong nước công suất 200-500 kg/giờ giá khoảng 75-140 triệu đồng; loại máy do Nhật, Đức sản xuất công suất từ 500-800 kg/giờ khoảng 1,5-1,8 tỷ đồng.
Để hạ giá thành và chủ động 100% chất đốt phục vụ các bếp ăn hàng ngày, theo chúng tôi, căn cứ vào nguyên liệu khu vực đóng quân và nguồn tận dụng từ xay xát các đơn vị nên nghiên cứu đầu tư dây chuyền sản xuất, tổ chức sản xuất trấu, mùn cưa ép. Đối với đơn vị có khả năng khai thác nguồn nguyên liệu thuận lợi và có quân số ăn bình quân từ 5.500-6.000 người trở lên có thể lắp đặt dây chuyền có công suất từ 500-800 kg/giờ. Vì 1 ngày đơn vị tiêu thụ hết khoảng 3,9-4,5 tấn trấu ép hoặc 3,3 tấn chất đốt bằng trấu mùn cưa ép, máy phải hoạt động liên tục từ 6-8 giờ/ngày.
Về thu hồi nguồn vốn đầu tư, nếu đơn vị tự sản xuất trấu ép có giá bình quân là 1.400 đồng/kg, tiêu thụ chất đốt trung bình là 700g/người/ngày, tiền chất đốt sử dụng sẽ là 980 đồng (thấp hơn so với qui định từ 420-770 đồng. Đơn vị có quân số ăn bình quân từ 5.500-6.000 người, tiết kiệm chất đốt là 600 đồng/người/ngày (so với qui định của Bộ Quốc phòng), chỉ sau 15-18 tháng sẽ hoàn vốn. Các đơn vị đóng quân trên địa bàn dễ khai thác trấu nguyên liệu nên lắp đặt máy ép trấu để tận dụng sản phẩm phụ xay xát.
Sử dụng chất đốt bằng trấu mùn cưa ép làm chất đốt để nấu ăn là hướng đi mới, hiệu quả, các đơn vị có thể nghiên cứu, tham khảo, vận dụng phù hợp ở đơn vị mình.
Trung tá LƯƠNG ĐÌNH THẢO